Ngân hàng tiếp tục ‘đổ tiền’ mua trái phiếu doanh nghiệp?

Việc tăng gấp đôi, gấp ba lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ đã giúp nhiều nhà băng giữ phong độ lợi nhuận năm 2020, bất chấp tín dụng tăng trưởng chậm. Năm 2021, dự kiến ngân hàng vẫn là “tay chơi” lớn nhất trên thị trường này.
Dự báo trái phiếu doanh nghiệp vẫn là lĩnh vực đầu tư mạnh của các ngân hàng trong năm nay. 
Một trong những điểm chung của những ngân hàng tăng trưởng mạnh về tín dụng và lợi nhuận năm 2020 là số lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nắm giữ tăng đột biến, bất chấp những cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với các ngân hàng thương mại về hoạt động mua, đầu tư TPDN, đặc biệt TPDN với mục đích liên quan đến kinh doanh bất động sản.
Nhà băng nào đang “ôm” TPDN lớn nhất?
Techcombank là ngân hàng sở hữu giá trị chứng khoán nợ của tổ chức kinh tế phát hành lớn nhất. Tại thời điểm 31/12/2020, lượng TPDN mà ngân hàng này nắm giữ là 46.500 tỷ đồng, tăng 53% so với năm trước. Trong đó, lũy kế cả năm 2020, tổng giá trị TPDN phát hành đạt mức 437.689 tỷ đồng, tăng 38,8% so với mức 315.441 tỷ đồng năm ngoái.
Techcombank hoạt động trong lĩnh vực bảo lãnh, phát hành đầu tư trái phiếu thông qua công ty con Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) với 68% thị phần môi giới TPDN, theo giới thiệu của đơn vị này. TCBS hiện chào bán cho nhà đầu tư nhiều loại TPDN của nhiều tổ chức, tập đoàn “quen mặt” trên sàn như Vingroup, Vinhomes… , thậm chí nhiều đơn vị chưa niêm yết cũng được TCBS đầu tư và phân phối trái phiếu.
Xếp thứ hai trên thị trường cũng là một ngân hàng tư nhân: SHB. Đây cũng là nhà băng tăng trưởng mạnh nhất về đầu tư TPDN. Chỉ tính từ năm 2019 – 2020, lượng TPDN mà SHB nắm giữ tăng gấp 21 lần, từ 500 tỷ đồng lên trên 10.500 tỷ đồng.
Một số ngân hàng khác cũng có lượng TPDN tăng trưởng mạnh, như: VPBank tăng 124% (tăng 2,2 lần so với năm trước) lên trên 31.800 tỷ đồng; TPBank là 11.200 tỷ đồng, tăng 138% (tăng gần 2,4 lần) và tại MB là 24.800 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước đó…
Dữ liệu thống kê thị trường vừa được Chứng khoán VNDirect công bố cho thấy, trong suốt cả năm 2020, nhóm tài chính – ngân hàng tiếp tục dẫn đầu với tổng giá trị phát hành thành công trái phiếu là 102.538 tỷ đồng, tương ứng với tỷ trọng 25,4% toàn thị trường. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng là nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho rằng, trái phiếu là kênh huy động vốn dài hạn của doanh nghiệp, góp phần làm giảm lệ thuộc vào dòng vốn tín dụng. Trong năm 2020, giá trị TPDN được phát hành có mức tăng đáng kể so với năm trước, trong đó ngân hàng là một trong các nhà đầu tư trái phiếu lớn trên thị trường.
Dự báo chưa hết “nóng” 
Các chuyên gia dự báo, năm 2021, khả năng các ngân hàng sẽ tiếp tục mạnh tay đầu tư trái phiếu.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng phân tích, việc ngân hàng đa dạng hóa danh mục trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng khó khăn không phải là xấu. Tuy nhiên, việc các ngân hàng đầu tư vào TPDN hiện nay có nhiều rủi ro, mặc dù họ mua TPDN hay cho vay đều phân tích tình hình tài chính của các tổ chức phát hành để quyết định.
Bên cạnh đó, theo quy định của NHNN, những khoản mua TPDN được xem là cho vay và phải cộng vào dư nợ tín dụng. Vấn đề là TPDN có lãi suất tương đối cao với kỳ hạn dài, có nghĩa độ rủi ro cũng tăng lên so với tín dụng ngắn hạn. Đồng thời, không loại trừ khả năng một số ngân hàng mua TPDN để đảo nợ. Tức họ mua TPDN của doanh nghiệp và doanh nghiệp dùng tiền đó để trả cho nợ cũ.
Việc đảo nợ là hiện tượng thường rất dễ xảy ra, có thể nhắm vào 2 mục đích biến nợ xấu, nợ cũ thành nợ tốt và nợ mới cho cùng một doanh nghiệp và cơ cấu lại nợ của các doanh nghiệp. Nếu lãi suất khoản vay trước đây cao, doanh nghiệp phát hành TPDN để ngân hàng mua với lãi suất có thể thấp hơn lãi suất họ vay trước kia. Đó là động thái tái cơ cấu nợ.
Trong các mục đích này, ông Hiếu đồng ý với việc tái cơ cấu nợ cho những doanh nghiệp lành mạnh, vì đó là nhu cầu chính đáng. Thế nhưng, nếu ngân hàng mua TPDN để đảo nợ xấu thành nợ tốt là trái quy định, cần có thanh tra giám sát từ cơ quan quản lý để tránh rủi ro.
“Trong năm nay, ngân hàng vẫn có thể đổ tiền nhiều hơn vào các kênh đầu tư, trong đó có TPDN”, ông Hiếu nhận định.
Trong bối cảnh đó, NHNN đã có nhiều văn bản cảnh báo các ngân hàng thương mại rà soát, tăng cường kiểm tra đối với hoạt động mua, đầu tư TPDN, đặc biệt là TPDN bất động sản. Trong quá trình thực hiện, các ngân hàng thương mại phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *