Ngày 28/11/2019, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã ký kết hợp tác liên doanh với các đối tác Hàn Quốc với mục tiêu phát triển xây dựng Tổ hợp Thành phố thông minh, du lịch, khách sạn, công viên giải trí Hà Nội. Tổng giá trị đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD.
Tổ hợp Thành phố thông minh, du lịch, khách sạn, công viên giải trí Hà Nội có diện tích lên đến 128 ha được đặt tại huyện Chương Mỹ, Tp. Hà Nội. Dự án được triển khai dựa trên mô hình hoạt động của các thành phố thông minh tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới và khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong đó, Tập đoàn tài nguyên nước quốc gia Hàn Quốc (K-Water) sẽ là đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ quản lý vận hành thông minh, công nghệ xử lý nước và môi trường.
Tập đoàn K-Water được biết đến là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp và xây dựng giải pháp công nghệ quản lý tài nguyên nước lớn nhất tại Hàn Quốc. Đặc biệt trong lĩnh vực phát triển các khu công nghiệp, đô thị thông minh và nhà máy thủy điện… K-Water là đơn vị sở hữu nhiều công nghệ quản lý và vận hành tối tân, dẫn đầu khu vực. Gần đây, K-Water đã khởi công xây dựng dự án thành phố thông minh rộng 1000 ha tại Busan, Hàn Quốc với các công nghệ tiên tiến có thể kể đến như: trí tuệ nhân tạo AI quản lý vận hành toàn bộ thành phố, sử dụng năng lượng xanh được tái tạo sạch giúp tiết kiệm 30%, đầu tư nhà máy nước sạch cục bộ, cung cấp nước đến từng hộ gia đình,… Đây là dự án trọng điểm được đích thân Tổng thống Hàn Quốc mời các nguyên thủ quốc gia trong khu vực Asean đến tham dự lễ khởi công. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã đến tham dự và cắt băng khởi công.
Xu hướng xây dựng các đại đô thị thông minh, tích hợp ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý vận hành đã trở thành giải pháp chiến lược được nhiều quốc gia trên thế giới đặt mục tiêu phát triển nhằm giải quyết triệt để các vấn đề xã hội cấp bách hiện nay như: ô nhiễm môi trường, khan hiếm tài nguyên, tắc nghẽn giao thông, xử lý chất thải,…
Qua đó giúp nâng cao tiêu chuẩn sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền cũng như sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tưởng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt, tại Hà Nội, trong thời gian qua đã đưa vào áp dụng nhiều thành tố của đô thị thông minh cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân triển khai nghiên cứu và phát triển.
Với Tổ hợp Thành phố thông minh, du lịch, khách sạn, công viên giải trí, Tập đoàn Tân Hoàng Minh mong muốn đưa những công nghệ hiện đại nhất tại Hàn Quốc về Việt Nam để phát triển một khu đô thị thông minh kiểu mẫu điển hình ở Việt Nam mang đến những chuẩn mức sống mới, góp phần tạo ra cảnh quan khang trang, hiện đại cho Thủ đô cũng như nâng cao giá trị sống của người dân. Được biết, với dự án này, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch Đầu tư. Bên cạnh đó, tại buổi lễ ký kết, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng như Phó Thủ tướng Hàn Quốc mong muốn các doanh nghiệp sẽ sớm triển khai dự án trọng điểm lần này.
Hiện nay, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ và tập trung mở rộng các lĩnh vực hoạt động xoay quanh trục bất động sản, có thể kể đến: sản xuất bê tông – vật liệu xây dựng, sản xuất đồ nội thất, phát triển chuỗi TTTM vui chơi giải trí, chuỗi văn phòng khách sạn cho thuê, quản lý vận hành Toà nhà,…
Trong tương lai, với tầm nhìn từ năm 2030 – 2045, Tập đoàn Tân Hoàng Minh sẽ chuyển hướng sang xây dựng các khu đô thị và thành phố thông minh, cảnh quan xanh, sạch đẹp, hiện đại, văn minh tại Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh thành khác trên cả nước.
Các thành phố và đô thị thông minh này sẽ sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ nước hiện đại, thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu 30-40% lượng điện, nước tiêu thụ.
Đặc biệt, những khu đô thị và thành phố thông minh mà Tập đoàn Tân Hoàng Minh xây dựng trong thời gian tới sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để quản lý vận hành toàn diện từ giao thông đến năng lượng, nguồn nước, PCCC,… Các cơ sở hạ tầng khác sẽ được điều hành bởi 1 trung tâm dữ liệu để cảnh báo và phòng chống rủi ro cũng như tiết kiệm thời gian trong sinh hoạt và quản lý của cư dân, tăng cường sức khỏe cộng đồng, nâng cao hiệu quả làm việc, phục vụ xã hội của các cư dân.
Theo Nhịp sống kinh tế
Thông tin liên quan