Sau dự án Hòn Rơm 6.000 tỷ ở Phan Thiết, chủ đầu tư này đang phát triển khu du lịch 233 ha ở Bà Rịa – Vũng Tàu

Giai đoạn quý III/2023 – quý IV/2024, Sài Gòn Investment sẽ hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khởi công Khu du lịch sinh thái Bông Trang vào đầu năm 2025. Doanh nghiệp này từng đầu tư dự án sân golf Hòn Rơm tại phường Mũi Né, TP Phan Thiết hơn 6.000 tỷ đồng.

Phối cảnh khu du lịch Bông Trang. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn (Sài Gòn Investment) vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với dự án Khu du lịch sinh thái tại xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là CTCP Tư vấn Đầu tư Dự án Việt.

Khu du lịch Bông Trang được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 7/2008. Dự án được chia thành 3 khu chính: Khu A (biệt thự cho thuê); khu B (resort nghỉ dưỡng) và khu C (khu nông trại sinh thái). Đến năm 2010, dự án được duyệt nhiệm vụ quy hoạch.

Năm 2016, dự án được Sở Xây dựng thỏa thuận địa điểm để lập dự án đầu tư tại khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc. Cùng năm, dự án được cấp giấy phép quy hoạch từ UBND huyện Xuyên Mộc.

Khu du lịch Bông Trang có tổng diện tích khoảng 232,64 ha, thuộc Khu bảo tồn Thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu. Phía bắc dự án giáp Quốc lộ 55; phía đông và phía nam giáp Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu; phía tây giáp sông Hoả.

Vị trí thực hiện dự án nhìn trên bản đồ. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Hiện trạng chủ yếu là đất rừng

Hiện trạng của dự án chủ yếu là rừng trồng và rừng phục hồi sinh thái. Trong đó, rừng trồng xen trồng cây Điều khoảng 29,8 ha; rừng trồng kết hợp sản xuất cây nông nghiệp ngắn ngày khoảng 11,4 ha; rừng trồng cây tràm khoảng 10,4 ha; rừng trồng ven suối và mặt nước khoảng 9,7 ha; còn lại là rừng phục hồi sinh thái khoảng 171,34 ha.

Trong khu đất dự án không có dân cư sinh sống, không có các công trình tôn giáo, di tích lịch sử văn hóa, công trình an ninh quốc phòng, không có các công trình kiến trúc. Khu vực dự án hiện nay chưa có hệ thống thoát nước mưa, thoát và xử lý nước thải, hệ thống thông tin liên lạc.

Tại đây không có dân cư sinh sống. Vị trí này nằm cách khá xa khu dân cư tập trung nên quá trình xây dựng ít gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Vị trí triển khai xây dựng các hạng mục công trình chủ yếu là đất trống chưa có rừng, do đó ít gây ảnh hưởng đến cây rừng và đất có cây rừng tự nhiên.

Về tính chất, đây sẽ là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, vui chơi giải trí với đầy đủ các loại hình dịch vụ đa dạng, tiện nghi, đạt chất lượng quốc tế, nhằm đáp ứng nhu cầu ăn ở, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của du khách trong và ngoài nước.

Trong cơ cấu sử dụng đất, đất xây dựng công trình sẽ chiếm khoảng 3,7 ha; đất giao thông nội bộ là 11,3 ha; đất cây xanh thảm cỏ là 44,8 ha; đất mặt nước hơn 3,3 ha; còn lại 169,6 ha là đất rừng.

Tại khu A – biệt thự cho thuê, sẽ xây dựng 103 căn biệt thự cao 2 tầng, với diện tích trung bình 80 m2/căn; một công trình khách sạn cao 3 tầng với 95 căn hộ; siêu thị dịch vụ, bar – nhà hàng… Ở khu B – resort nghỉ dưỡng, sẽ xây dựng 71 căn bungalow cao 1 tầng, diện tích trung bình 54 m2/căn; ngoài ra có khu điều hành; khu spa; nhà hàng; sân thể thao; hồ cảnh quan; khu dã ngoại…

Về phân bố không gian, các công trình cơ sở hạ tầng sẽ bố trí tại những khu vực hiện trạng chưa có rừng, cách xa Khu bảo tồn.

Khu biệt thực cho thuê và các công trình công cộng được bố trí bám theo trục đường Quốc lộ 55. Khu nghỉ dưỡng gồm các resort và các công trình phục vụ được bố trí phía đông khu đất cách Quốc lộ 55 khoảng 150 m.

Khu nông trại sinh thái bao gồm nhà vườn và ruộng vườn nông nghiệp được bố trí ở phía nam khu đất và dọc theo dòng sông Hỏa cách quốc lộ 55 khoảng 300 m.

(Ảnh chụp từ ĐTM).

Hệ thống giao thông nội bộ chủ yếu có hai loại: Loại có chiều rộng là 6 m và loại có chiều rộng 3 m. Đường giao thông trục chính dự án nối vào đường quốc lộ 55 có chiều rộng 12 m, chiều dài 134,6 m.

Về tiến độ, dự án sẽ hoàn thành các thủ tục pháp lý trong giai đoạn quý III/2023 – quý IV/2024; dự kiến bắt đầu triển khai xây dựng, lắp đặt thiết bị từ quý I/2025 đến quý III/2027. Từ quý IV/2027, bắt đầu đưa công trình đi vào vận hành.

Tổng mức đầu tư của dự án là 628 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp. Tổng chi phí cho các công trình bảo vệ môi trường ước tính khoảng 10 tỷ đồng.

Năng lực của Sài Gòn Investment

Sài Gòn Investment được thành lập vào năm 2002, có trụ sở tại quận Phú Nhuận, TP HCM. Tính đến tháng 11/2022, doanh nghiệp có vốn điều lệ 90 tỷ đồng, với cơ cấu cổ đông gồm 3 thành viên. Cụ thể, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Mai Thanh Phong sở hữu 30% vốn; 2 cá nhân còn lại gồm Võ Phương Lâm (10%) và Huỳnh Hồng Ngọc (60%).

Sài Gòn Investment được biết đến là một cổ đông của CTCP Phát triển S.I – chủ đầu tư dự án sân golf Hòn Rơm tại phường Mũi Né, TP Phan Thiết, Bình Thuận (6.093 tỷ đồng).

S.I được thành lập từ năm 2007. Tính đến tháng 3/2022, S.I có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó Sài Gòn Investment nắm giữ 11,2% tỷ lệ sở hữu, ông Dương Văn Phúc nắm 48,8% và CTCP Tập đoàn KSFinance (mã chứng khoán: KSF) nắm 40%.

Đến tháng 5/2022, KSFinance đã nhận chuyển nhượng cổ phần từ ông Phúc để tăng tỷ lệ sở hữu tại S.I lên thành 65% và đưa công ty này trở thành công ty con. Hiện nay, ông Dương Văn Phúc vẫn là người đại diện pháp luật của S.I.

Vào năm 2010, ông Phúc từng là cổ đông góp vốn thành lập CTCP Chứng khoán Sao Việt. Theo bản cáo bạch mà Sao Việt công bố, giai đoạn 2000 – 2010, ông Phúc đã nắm giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT của Sài Gòn Investment.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *