Định hướng đưa 3 huyện lên thành phố bên trong Hà Nội sẽ giúp giảm tải nội đô, song cần quản lý tốt quy hoạch để tránh những “cơn sốt đất”, theo KTS Phạm Thanh Tùng.
Tờ trình kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của UBND TP Hà Nội nêu một trong những định hướng 5 năm tới là nghiên cứu, đề xuất chủ trương xây dựng quy hoạch các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh trở thành thành phố.
Kế hoạch này đã được HĐND TP Hà Nội thông qua tại kỳ họp cuối tháng 9.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhìn nhận việc phát triển các đô thị vệ tinh là xu hướng chung của nhiều thành phố lớn trên thế giới. Thay vì tập trung vào siêu đô thị, các thành phố đa chức năng sẽ có nhiều khu đô thị nhỏ, cơ sở công nghiệp, dịch vụ, nông trại sinh thái, sản xuất thực phẩm xanh… Các đô thị đa chức năng trên thế giới cũng được gọi là thành phố với chỉ vài trăm nghìn dân.
Hiện xung quanh trung tâm Hà Nội có nhiều đô thị hiện đại song không phải là khu đô thị đa chức năng, người dân chỉ có thể đến ở trong thời gian ngắn (ví dụ cuối tuần) rồi sau đó lại về trung tâm để làm việc, giao dịch. Thực trạng tập trung dân số bên trong trung tâm Hà Nội gây quá tải giao thông cũng như các hạ tầng xã hội, và có thể dẫn đến hệ lụy khác như bùng phát dịch bệnh.
Do vậy, ông Tùng đồng tình với chủ trương nghiên cứu quy hoạch 3 huyện ngoại thành Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố. Lợi thế của khu vực này là tập trung nhiều cơ sở công nghiệp, làng nghề, du lịch sinh thái…, có thể tạo công ăn việc làm, thu hút người dân đến sinh sống tách biệt với đô thị trung tâm.
Cùng với đó, ba huyện này đã có hạ tầng giao thông tương đối tốt, sân bay quốc tế Nội Bài nằm ở cửa ngõ, đất đai rộng lớn thuận lợi cho phát triển đô thị về phía đông Hà Nội. Trong tương lai, khu vực này kết nối với các đô thị dọc sông Hồng tạo thành chuỗi đô thị đa chức năng. “Xây dựng thành công thành phố ở ba huyện này sẽ giúp Hà Nội giãn dân, giảm tải nội đô”, ông Tùng nói.
Trước ý kiến cho rằng huyện Sóc Sơn còn nghèo, nhiều đồi núi không thuận lợi phát triển đô thị, ông Tùng lấy ví dụ thành phố Quế Lâm (Trung Quốc) cũng có nhiều núi, rừng góp phần tạo bản sắc. “Cảnh quan thiên nhiên sẵn có là tài sản, là lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, giúp các thành phố phát triển”, ông Tùng phân tích.
Tuy nhiên, KTS Phạm Thanh Tùng lưu ý, việc quy hoạch các huyện trở thành thành phố sẽ dẫn đến chuyển đổi một tỷ lệ đáng kể đất nông nghiệp sang đất đô thị. Hà Nội cần thận trọng quy hoạch chi tiết từng khu vực, tính toán đầu tư theo lộ trình để hiện thực hóa quy hoạch đúng định hướng.
Cùng với đó, chính quyền thủ đô cũng cần có cơ chế sử dụng đất đai hợp lý, minh bạch để đất đai trở thành nguồn lực xây dựng thành phố, tránh tình trạng nhiều bản quy hoạch đô thị “chỉ tồn tại trên giấy” trong nhiều năm.
Trước mắt Hà Nội và Bộ Xây dựng nên phối hợp trong việc lập quy hoạch các huyện ngoại thành, lấy kinh nghiệm từ thành phố Thủ Đức (TP HCM) đã có một quá trình dài hướng đến đô thị thông minh.
“Nếu không quy hoạch và quản lý tốt, chủ trương từ huyện lên thành phố sẽ chỉ thành cơn sốt đất, tạo tiêu cực cho xã hội”, KTS Phạm Thanh Tùng nói.
TS Đào Ngọc Nghiêm (Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội) cho rằng lãnh đạo thành phố “không nên chọn ngay một vài huyện nào đó để quy hoạch mà cần có sự nghiên cứu bài bản”.
Theo ông Nghiêm, người dân có thể đặt câu hỏi tại sao không chọn Sơn Tây, Hà Đông thay vì chọn Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh. Năm 2008 khi Hà Nội sáp nhập địa giới hành chính với tỉnh Hà Tây (cũ), hai thành phố trực thuộc là Hà Đông và Sơn Tây đã chuyển xuống thành thị xã, sau đó Hà Đông thành quận. Mới đây, lãnh đạo thị xã Sơn Tây cũng đã đề xuất tái lập thành phố.
Do đó, ông Đào Ngọc Nghiêm nói Hà Nội cần lập đề án để đánh giá lợi thế, hạn chế của các huyện ngoại thành và tính toán các chỉ số có thể đạt được. Bởi huyện lên thành phố cần đạt nhiều nhóm tiêu chí, với hơn 70 chỉ tiêu cụ thể, trong đó chỉ tiêu tốc độ đô thị hóa là quan trọng, phải đạt từ 60-62%.
Hà Nội cần rà lại nguồn lực xem có thực hiện được mục tiêu đưa ba huyện lên thành phố hay không. Bởi thời gian qua, nhiều quy hoạch chưa được thực hiện như 5 khu đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn); nhiều phân khu chức năng chưa được thực hiện do thiếu nguồn lực, thiếu chính sách đặc thù kêu gọi đầu tư, khó giải phóng mặt bằng.
“Trước mắt, Hà Nội cần tập trung sửa Luật thủ đô để có cơ chế tạo nguồn lực đầu tư phát triển”, ông Đào Ngọc Nghiêm nói.
Theo một lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, việc quy hoạch ba huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh lên thành phố mới là đề xuất, đang được nghiên cứu và còn phụ thuộc chủ trương điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Tuần tới, Hà Nội sẽ tọa đàm, lấy ý kiến các đơn vị, chuyên gia về việc điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô.
Thông tin liên quan